Người bán sách ở Kabul

Nguồn: damau.org

(The bookseller of Kabul, Asne Seierstad, bản dịch của Ingrid Christophersen, nhà xuất bản Virago, London)

Tựa cuốn sách thật ra chỉ gồm có Người bán sách ở Kabul nhưng chính tôi đã thêm vào chữ thủ đô, ngại rằng có người quên Kabul là thủ đô của một đất nước có diện tích gấp đôi nước ta nhưng dân số thì chưa bằng được một nửa, trong đó có đến một phần tư số người không biết đọc và biết viết. Tình trạng bi đát, bi đát ở chỗ chiến tranh dai dẳng hết ngoại xâm đến nội thù, bi đát vì nền kinh tế kém phát triển (tỷ lệ phát triển 7,8% trong năm 2011 chỉ nhờ ở ngoại viện), còn bị chi phối bởi người bạn láng giềng Pakistan ; giữa biên giới hai nước là nơi đầu nguồn của các hoạt động phá hoại khủng bố do thành phần quá khích Taliban mà người ta vẫn ngờ rằng được Islamabad tài trợ; bi đát vì không biết đến bao giờ người dân nơi này có thể thoát khỏi nỗi đe dọa của sự tái lập khuynh hướng quá khích tôn giáo sẽ làm tê liệt mọi phát triển và tiền bộ. Tôi tưởng tượng rằng người dân Afghan chẳng còn để tâm đến ai là kẻ ngồi ghế thủ lãnh đất nước, điều quan trọng là đời sống họ được ổn định ; cũng nên thêm là dù vậy, nếu đời sống ổn định nhưng dưới sự cai trị của phe Taliban thì cũng bằng thừa. Kinh nghiệm này người dân đã nếm trải. Và anh chàng bán sách, nhân vật chính của tác phẩm là nạn nhân trực tiếp của chính sách tiêu hủy văn hóa của họ. Nghe qua câu chuyện chắc chắn chúng ta liên tưởng ngay đến những ngày đầu “giải phóng” tháng tư bảy lăm với nạn tịch thu “văn hóa phẩm đồi trụy và phản động” trên xứ ta.

Trên căn bản, cuốn sách là một bản cáo trạng về tình hình Afghanistan; bởi muốn tránh bớt những con số khô khan, nó sẽ thành tập bút ký; qua tay người viết vốn là ký giả lẽ ra nó dừng lại đúng ở vị trí đó, nhưng không, nó bị đẩy thêm nấc nữa để biến thành một chuyện kể nhiều khi có chút hoa lá cành, vốn là một điểm đặc biệt của nữ tính. Asne Seiertad, tác giả, người Na Uy, tốt nghiệp đại học Oslo, biết tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, xuất thân là ký giả, một ký giả xông xáo làm phóng viên 3 năm ở Nga, ở Trung Hoa 1 năm, 2 năm tham gia chương trình truyền hình theo dõi cuộc chiến ở Kosovo, rồi theo đoàn quân Đồng minh phương bắc của Massoud và đến mùa thu 2001, khi nhóm Taliban bị đẩy khỏi Kabul bà sống ba tháng ở đấy, trọ trong một gia đình và viết về đời sống gia đình ấy dưới chính thể nửa mùa của Hamid Karzai, với sự hiện diện của lực lượng vũ trang NATO (khối Minh ước Bắc Đại tây dương) nhưng cũng chẳng chủ động được trong việc giữ an ninh, bên ngoài chưa lập được một giao tiếp chính thức với các quốc gia láng giềng, bên trong chưa dẹp được nhóm Taliban vẫn nỗ lực khuấy phá hầu tái lập một Afghanistan dưới gọng kìm của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Asne Seierstad ngồi ở hiên nhà gia đình ông Shah M. Rais – nơi bà tá túc vào mùa thu năm 2001
Ngày nay nếu ta cứ nhìn những người phụ nữ choàng burka kín mít từ đấu tới chân duy chỉ nhờ có tấm “cửa sổ” bằng loại vải thưa hơn cho phép thấy được chút đỉnh qua khoảng trống đó và những người đàn ông râu ria xồm xoàm đầu vấn khăn thì người ta không tưởng tượng rằng nơi này đã có thời kỳ mà người nữ mặc váy, mang giày và đàn ông khoác âu phục như tại bất cứ một xứ sở bình thường nào khác. Ấy là thời mà ông hoàng Daoud trị vì, ông ta còn muốn dẹp bỏ hoàn toàn chiếc áo burka nữa kia. Giới công chức không những không choàng burka, họ còn được khuyến khích phục sức theo tây phương nhưng việc này không thực hiện được tức khắc, họ cần nhiều năm để làm quen và nhất là phản ứng của nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động lén lút nhằm bắn vào chân các bà mặc áo ngắn hoặc váy hay tạt ắc-xít vào mặt họ để cảnh cáo! Ngày nội chiến bùng nổ, luật Charia được áp dụng nghiêm nhặt, bị đe dọa tới cùng, hầu hết phụ nữ đều tự che kín thân mình từ đấu đến chân. Kịp khi nhóm Taliban khống chế hoàn toàn đất nước thì phụ nữ Afghan không còn ra đường, không được phép đi học, không còn hoạt động nghề nghiệp nữa; họ chỉ quanh quẩn trong nhà lo cho chồng con và nếu có khi buộc lòng phải ra ngoài họ luôn luôn có chồng đi bên cạnh, bằng không sẽ bị xử phạt theo luật lệ. Lúc này Afghanistan bị xâu xé bởi nhiều lực lượng vũ trang khác nhau : lực lượng tả phái, lực lượng cực đoan Taliban và “đồng minh phương bắc” do Massoud chỉ huy được mệnh danh là con sư tử vùng Panjshir. Năm 2001 hai ngày trước vụ 11/9, Massoud bị ám sát, tiếp đó Bin Laden bị Mỹ tố cáo là tác giả đã đánh sập tòa tháp đôi, quân lực NATO tràn vào xứ đuổi nhóm Taliban ra khỏi các vùng dân cư, đưa Hamid Karzai vào vai trò thủ lãnh.

Bà Seierstad có mặt tại Kabul trong khoảng thời gian này. Đời sống tinh thần đã bớt bó buộc do chỗ nhóm Taliban bị đẩy lui nhưng người dân Afghan vì đã trải qua nhiều nội loạn đã cẩn trọng trong lối sống được đặt dưới qui luật Charia của đạo Hồi (giới luật được áp dụng trong cấp độ khác nhau, từ việc phục sức đến việc đọc kinh, từ quan niệm cách biệt nam nữ đến tình trạng đa thê….) Nhân đi tìm sách, tác giả làm quen với người chủ tiệm Shah Mohammed Rais và được chấp nhận sống trong gia đình ông này nhiều tháng hầu quan sát đời sống của người dân bản địa. Gia đình Rais tình cờ chấp nhận bà nhưng họ không phải là một gia đình chuẩn của người Afghan, họ có lối sống không giống với đa số đồng bào của họ. Trước nhất, họ …biết đọc và biết viết, có đi đến trường (đặc biệt đối với các thành viên phái nữ trong gia đình), có một trình độ văn hóa cao hơn mức chung chung, biết nói tiếng Anh và thích đọc sách. Bên cạnh đó, họ vẫn tôn trọng luật lệ Hồi giáo, nhân vật chính là ông Rais dù hiểu biết vẫn có đời sống đa thê ; vẫn cho rằng phái nam có quyền trên phái nữ trong mọi quyết đoán ; vẫn để các bà vợ ở nhà lo nội trợ, chỉ mình ông làm việc để cung cấp nuôi dưỡng họ ; vẫn để dành một lần trong ngày đọc kinh làm lễ, tóm lại gia đình họ không thể đại diện cho mọi gia đình người Afghan khác. Tuy nhiên, xuyên qua trường hợp cá biệt, người ta vẫn hiểu được đôi chút tinh thần chung cũng như hình ảnh sinh hoạt xã hội xứ này.
Đã tiên liệu về những khó khăn mà các nhân vật trong sách có thể gặp phải do không khí chính trị bấp bênh, tác giả khi kể truyện đã cố ý thay đổi danh tính của họ, tuy nhiên nghề nghiệp của nhân vật chính (ông Rais) thì không thể che dấu được đối với sinh hoạt văn hóa rất đặc biệt của Afghanistan. Nhân vật này được bà đặt tên giả là Sultan Khan. Sultan là con trai trưởng trong một gia đình có đến 13 anh chị em. Vì là cậu trai đầu nên Sultan được ưu đãi bằng cách được gửi đến trường học dù gia đình cậu nghèo khó. Con đường học vấn khá thông suốt đến cấp đại học, cậu ra trường với bằng kỹ sư. Trong khi còn đang học, Sultan đã kiếm việc làm thêm để có tiền, mà cũng vì tìm không ra sách liên quan đến môn học, nhân dịp theo một ông bác sang Teheran (Iran) cậu mừng rỡ tìm thấy vô số sách ở đấy. Cậu không chỉ mua cho mình dùng mà còn tậu thêm một ít về bán lại cho các bạn đồng học với giá gấp đôi. Lợi nhuận thu được đã khuyến khích Sultan trên bước đầu buôn bán sách. Và như thế, anh chàng kỷ sư khi ra trường đã chỉ hành nghề qua quít trong khi ý tưởng buôn sách quyến rủ anh ta nhiều hơn. Anh ta tìm sang các vùng thị tứ Iran sưu tầm sách, sách cũ và sách mới, không còn chỉ chú trọng đến loại sách chuyên môn nghề nghiệp mà sách nói chung, kể cả sách văn học. Quay về Kabul, anh ta lập ra hiệu sách đầu tiên. Sách do anh bán thuộc đủ mọi loại, mọi khuynh hướng, đáp ứng mọi nhu cầu. Những ông mullah (danh từ dùng chỉ các người được đào tạo về giáo lý có chức vụ hướng dẫn giáo dân theo đạo Hồi) tìm sách tôn giáo, những sinh viên tìm sách học, những người thuộc tả phái tìm lý thuyết chính trị cộng sản…đều được đáp ứng. Công việc doanh thương phát triển tốt đẹp nhưng đây cũng là lúc Sultan gặp tai họa lần thứ nhất vào năm 1979 khi Liên Bang Xô Viết xâm lăng đất nước anh. Cùng với sự hiện diện của quân đội Nga, một chính quyền thân Cộng được dựng lên, và để củng cố quyền lực, mọi ấn phẩm đi ngược lại chủ trương của nhà cầm quyền bị cấm tiệt. Sultan vẫn cất dấu những báo chí của phe Hồi giáo lúc này bị coi là phản động, sẵn sàng bán ra nếu có ngưòi hỏi đến. Rồi có kẻ mua tờ báo bị bắt, khai ra nơi cung cấp. Sultan bị bỏ tù. Nhờ hối lộ cai ngục anh ta được người nhà gửi sách vào. Bắt đầu đọc các sách văn hóa về chính xứ sở mình, thi ca Iran, quá khứ lịch sử… Sultan càng lúc càng mê sách, con đường tìm đến sách đối với anh khởi đầu từ chỗ tham lợi tới chỗ tham hiểu biết. Qua ngành hoạt động nghề nghiệp của anh, người ta phát giác được mặt sinh hoạt yếu kém của nền văn hóa Afghanistan. Nói vậy cũng không hẳn đúng, nhưng ít ra trong giai đoạn hiện nay thì sự trì trệ được nhận rõ, nhất là họ phải chịu kìm kẹp khe khắt của đạo Hồi ; vả lại thế giới Hồi giáo không phải nơi nào cũng thế khi người ta phóng tầm mắt ra xa để so sánh, sang qua những xã hội Hồi giáo khác như Ai Cập, Algeria, Marocco,..v..v…

Ảnh: Tiệm sách của gia đình Shah M. Rais ở Kabul

Theo cách kể truyện đơn giản, Asne Seierstad lần lượt điểm mặt các nhân vật trong đại gia đình Sultan Khan, từ bà mẹ già đến hai bà vợ, đến mấy đứa em, đến con, đến những người bà con cô bác khác. Qua những mẩu chuyện riêng tư của từng người, bao giờ bà Seirstad cũng nhân đó mà liên hệ đến hoàn cảnh của nhân vật ấy với gia đình và xã hội, nhờ vậy chúng ta có thể chắp nối các mảnh nhỏ riêng tư đó để nhận ra phần nào vóc dáng của xã hội Afghanistan.

Nói chung, không khí Afghanistan ngày nay tương đối cởi mở hơn thời gian từ 1996-2001 khi nhóm Taliban nắm quyền. Nhưng cơn ác mộng ấy vẫn còn ám ảnh con người, nhất là giới phụ nữ. Nếu cố gắng đưa ra một nhận định về tình hình an ninh của xứ sở này không ai có thể nói chắc một khi lực lượng NATO rút đi thì thành phần có tinh thần dân chủ có đủ khả năng bảo vệ những thành quả nhỏ nhoi mà họ đã đạt tới, ít ra là những quyền căn bản đủ đảm bảo sự sống mỗi cá thể, bình đẳng nam nữ, quyền được đến trường, quyền được làm việc ….

Tuy thuộc về một thiểu số có chút ít ưu đãi, những người phụ nữ trong gia đình Sultan không hoạt động xã hội trừ một mình Shakila, nhờ có học đã trở thành cô giáo dạy toán và sinh học. Thời kỳ đất nước cô bị Liên bang Xô viết chiếm, cô đã đi dạy học nhưng cuộc nội chiến sau đó khiến gia đình cô phải tản cư sang Pakistan, tiếp theo là cuộc chiếm đóng của Taliban, các trường học dành cho nữ giới đều bị đóng cửa. Cô đành ở nhà chờ đợi nhưng mẹ cô và ông anh Sultan thì chỉ nghĩ đến việc tìm cho cô một tấm chồng. Lúc còn dạy học cô có yêu một đồng nghiệp nhưng anh này lại đã lập gia đình, giờ đây cô bị ép gả cho một người vừa có vợ chết mà cô không được quyền từ chối. Số phận của cô em út Leila còn tệ hơn. Chưa có người ngấm nghé, cô làm việc như một người đầy tớ cho ông anh Sultan. Cô phải phục vụ cho mọi người trong gia đình từ ông Sultan đến vợ bé của ông, đến các con ông. Và vì là phụ nữ nên tuy cô giữ vai cô đối với các đứa con người anh mà chúng chẳng coi cô ra gì. Chúng mắng chửi phỉ báng cô, còn cậy thế bố hăm dọa đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà (mẹ cô là bà nội chúng!) Chung qui cũng chỉ tại sự bất bình đẳng giới tính. Khoảng thời gian hiện diện ngắn ngủi của tác giả chỉ cho phép bà chứng kiến thêm biến cố cuối cùng của Leila khi cô được (hay bị) một chàng trai ngắm nghé. Cho đó là dịp may khi đã so sánh hoàn cảnh anh ta trong mối liên hệ tương lai, nhưng cô chẳng mảy may làm chủ được tình thế. Tôi biết trong khuôn khổ một bài giới thiệu sách tôi đã viết quá dài nhưng tôi không tự cưỡng lại được việc mong chép lại đoạn đối thoại giữa cô và chàng trai ấy để chúng ta rõ thêm về số phận người đàn bà afghan trong thế giới Hồi giáo. Chàng trai vì yêu cô đã lén gửi tặng cô chiếc đồng hồ và vài dòng chữ thăm dò ý kiến. Chiếc đồng hồ đã bị cô đập nát không phải vì cô không quí và không thích nhưng vì cô sợ hãi bị phát giác nên thay vì cảm kích cô giận dữ! Phần anh ta thì đã thành công xoay xở tìm gặp được cô, và đây là đoạn hỏi đáp giữa hai người: “Cô trả lời sao?” (về việc anh tỏ lòng yêu cô), cô đáp “Anh biết là tôi không thể trả lời anh được” –“Nhưng cô muốn sao chứ?” –“Anh biết là tôi không được quyền muốn một điều gì” –“Nhưng cô thích tôi không?” –“Anh biết là tôi không thể trả lời điều ấy” –“Liệu cô sẽ đồng ý khi tôi ngỏ lời?” –“Anh đã biết không phải là tôi sẽ trả lời cho anh” –“Cô có thể gặp lại tôi lần nữa chứ?” “Tôi không thể” “Tại sao cô không thể tử tế (với tôi) hơn một chút? Cô không thích tôi sao?” –“Chính gia đình tôi sẽ quyết định xem tôi có thích anh hay không”… Chúng ta đã rõ: ngưòi phụ nữ hoàn toàn thụ động dù cần quyết định cho chính số phận đời mình.
Ông Shah M. Rais (Sultan Khan trong truyện của Asne Seierstad) – người bán sách của Kabul
Sultan là người có học, yêu lịch sử và văn chương nhưng cách xử sự của ông chẳng khác kẻ thất học là mấy. Trước nhất các đứa con ông, ba đứa đều là trai, không được đi học tới nơi tớí chốn. Chúng chỉ học chút ít rồi về nhà giữ hiệu sách cho bố. Sultan coi việc khai thác tiệm sách như mục đích của đời ông. Ông coi trọng công việc doanh thương đến nỗi qua sự việc nhỏ ta thấy ông khắc nghiệt, hẹp hòi, không còn tình người. Đó là câu chuyện một người thợ mộc được ông thuê về nhà đóng kệ đựng sách. Người này đã lén đánh cắp một ít tấm cạc in tranh (postcard), bị bắt gặp, đã chịu mang trả lại nhưng ông nhất định đưa anh ta đến cho cảnh sát trừng trị. Luật pháp Afghanistan rất nghiêm khắc, tội ăn cắp có thể bị đến 6 năm tù, mà tình cảnh người thợ mộc thì rất nghiệt ngã, toàn gia đình có thể chết đói vì anh ta ngồi tù; thế mà khi cảnh sát hỏi ý xem nếu anh ta khai thật thì có thể được tha với sự đồng ý của Sultan. Ông nhất định không chịu vì cho rằng anh ta đã phá hỏng việc doanh thương của mình!

Xem vậy ta hiểu xã hội Afghanistan nếu không được cải cách thì người dân xứ này sẽ muôn đời sống trong tình trạng lạc hậu, không bao giờ ngoi đầu lên nổi. Một đàng bởi nền kinh tế èo uột do chiến tranh, do thiếu thốn mọi phương tiện căn bản, hạ tầng cơ sở, nhân lực thiếu khả năng chuyên môn; đàng khác là bởi nền tôn giáo trị quá khắt khe, văn minh kỹ thuật không phát triển được do không có một nền giáo dục toàn triệt không kỳ thị nam nữ. Một phần tư dân số mù chữ, một trên năm trẻ sơ sinh không sống đến năm tuổi, tuổi thọ trung bình của người lớn là 44 ( thấp nhất trong vùng), sản lượng bình quân tính trên mỗi đầu người là 575 đôla, (năm 2011, cũng thấp nhất trong vùng), đất nước Afghanistan như thế đó và sẽ như thế mãi nếu đời sống của người dân không được cải thiện. Chen cài giữa lực lượng nhà nước và nhóm Taliban còn có những “sứ quân” mỗi người hùng cứ một góc, duy trì lối sống bộ lạc. Ngày nào mà lực lượng vũ trang của khối NATO còn hiện diện ở Afghanistan, ngày ấy người dân còn sống được đời sống tương đối an ninh; nhưng dù vậy, việc triệt thoái đã nằm trong dự tính của bộ tư lệnh. François Hollande, tân tổng thống Pháp trong cuộc hội nghị NATO vừa qua đã tuyên bố ý định rút quân. Đợt đầu sẽ là số binh sĩ trực tiếp tham chiến ; số còn ở lại sẽ làm công việc huấn luyện, trợ giúp chờ ngày quân đội chính phủ Karzai (hay một nhân vật nào khác) đủ lớn mạnh để tự gánh vác trách nhiệm. Ngày đó hẳn còn xa!

Cuốn sách của Asne Seierstad không phải là tác phẩm hư cấu nhưng chắc nó đã gợi tò mò cho độc giả khi họ đọc nó như đọc cuốn tiểu thuyết hơn là một bản báo cáo dù những điều trong sách thật sự đã cung cấp cho họ một ít hiểu biết về tình hình Afghanistan, nơi mà con em họ có thể đang cầm súng giữa núi non bụi mù và chịu những cuộc đột kích bất ngờ của du kích Taliban. Điều đó giải thích cho sự thành công của tác phẩm : 41 tuần lễ đứng đầu bảng xếp hạng của NY Times và được dịch ra nhiều ngoại ngữ khác nhau. Hậu quả không hay cũng đến với tác giả : cuối tháng 7/2010 bà bị tòa án Oslo phạt vạ 15 600€ về tội phao vu và khinh xuất nghề nghiệp (diffamation et pratiques journalistiques négligeantes –theo wikipédia). Dù vậy sự có mặt của cuốn sách vẫn là điều cần thiết.

Đặng Đình Túy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ